KHÁI QUÁT VỀ DI TÍCH LỊCH SỬ QUỐC GIA ĐỀN BÀ CÔ
KHÁI QUÁT VỀ DI TÍCH LỊCH SỬ QUỐC GIA ĐỀN BÀ CÔ
- content:
Đền Bà Cô được xây dựng vào thời Lê Trung Hưng (khoảng thế kỷ 16), Đền có 3 tòa: Thượng điện, trung điện và hạ điện. Trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm Đền còn là nơi chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của nhân dân xã Yên Lưu trong suốt quá trình xây dựng và phát triển; là nơi mà các chiến sỹ yêu nước thường lui tới để bí mật hoạt động cách mạng. Do thời gian và sự tàn phá của chiến tranh Đền bị mất tòa trung điện và hạ điện; Thượng điện và một số hạng mục còn lại bị xuống cấp nghiêm trọng. Trước tình hình đó các hậu duệ của Quế Hoa công chúa và con cháu dòng họ Lê Nhữ cũng như bà con nơi đây đã góp công, góp của tu sửa những bộ phận còn lại của Đền để thành một ngôi đền khá khang trang. Trong thời gian vừa qua nhờ sự quan tâm của các cấp, các ngành và một số cá nhân có tâm huyết với Đền đã tạo điều kiện giúp đỡ nên Đền Bà Cô chúng ta đã được tu sửa, chỉnh trang tạo nên cảnh quan ngày càng khang trang hơn.
Đón bằng di tích lịch sử Quốc gia đền Bà Cô
Lễ giổ Quế Hoa công chúa vào ngày 26/9 ÂL hàng năm là dịp để con cháu và nhân dân xa gần về hội tụ, thăm viếng, hương khói bày tỏ lòng thành kính tưởng nhớ công ơn của Quế Hoa Công Chúa - vị thần chủ, tài sắc vẹn toàn nhưng cuộc đời lại lắm gian truân. Sau khi rời thành Thăng Long, Bà đã cùng một số thân quyến về nơi đây và chọn mảnh đất này làm điểm dừng chân để dễ bề nương náu. Và cũng từ đây Bà đã rũ bỏ thân phận nàng công chúa để hòa mình vào cuộc sống thôn dã dân quê. Tại đây Bà đã có công khai hoang lập làng và phát triển nghề chiếu cói thời Lê Sơ. Bà đã dành cả cuộc đời mình vì cuộc sống ấm no cho muôn dân, đã được các triều đại phong kiến ghi nhận thông qua các sắc phong. Ngày 22/9/2010 UBND Tỉnh Nghệ An đã ban hành quyết định số 4293 về việc công nhận Đền Bà Cô là di tích lịch sử văn hóa cấp Tỉnh. Ngày 24/4/2015 Bộ văn hóa thể thao và du lịch đã ban hành quyết định số 1347 về việc xếp hạng di tích lịch sử Quốc gia Đền Bà Cô (gồm Đền và mộ Quế Hoa công chúa).
Lễ giổ hàng năm còn là dịp thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của con người Việt nam. Đồng thời thông qua các hoạt động tế lễ phần nào phản ánh được phong tục tập quán tín ngưỡng của nhân dân Hưng Hòa, góp phần làm tốt nhiệm vụ bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa của địa phương