Kinhtedothi - Tưởng như Rừng Bần - Tràm Chim là câu chuyện của miền sông nước Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng nhà “Vinh học” Phạm Xuân Cần lại đang mời du khách đến Hưng Hòa (Vinh) khám phá.
Cách TP Vinh khoảng 8km về phía Đông Bắc có một khu rừng ngập mặn mà dân địa phương thường gọi là Rừng Bần. Rừng Bần có diện tích hơn 70ha (tính diện tích có cây mọc) với chiều dài khoảng 4km, chiều rộng có chỗ đến 300m, phía ngoài tiếp giáp sông Lam, phía trong giáp đê 42. Cây bần chủ yếu là nguyên sinh (có từ rất lâu) chiếm tỷ lệ khoảng 85%, những cây còn lại là sú, vẹt, cây dây leo. Rừng Bần còn có tên gọi khác là Tràm Chim vì động vật ở đây chủ yếu là các loại chim như cò, vạc, chèo bẻo, chim sâu, cu gáy...
Rừng ngập mặn nguyên sinh
Nếu không có điều kiện để đến sân chim miệt vườn Cà Mau, Đồng Tháp du khách có thể về thăm Rừng Bần Hưng Hòa nơi đây gần như có đủ các loài chim mà đất rừng Phương Nam vốn có. Xuân Thủy - tay máy số 1 của diễn đàn Vinh - xưa sẽ tình nguyện cùng bạn rong ruổi cả ngày đến với chim, cá nơi đây để khi trở về bạn sẽ có album ảnh không đụng hàng.
Rừng Bần Hưng Hòa, Nghệ An.
nói về tính đa dạng sinh học cao nhất phải kể đến nhóm chim Rừng Bần Hưng Hòa với 31 loài, 19 họ và 12 bộ chim. Theo nhà “Vinh học” Phạm Xuân Cần nơi đây có 3 loài chim quý hiếm được ghi trong sách đỏ, đó là bồ nông chân dài, bói cá lớn, quạ khoang và 13 loài chim trú đông, 2 loài chim di cư… Còn gì thú hơn được nghe muôn loại chim khoe giọng trong ngày nắng ráo.
Không chỉ “đất lành, chim đậu” mà nơi đây còn có 63 loài động vật xương sống khác tìm đến. Chưa hết, ngoài ra, còn có 3 loài thú, 10 loài bò sát, 5 loài ếch nhái và 14 loài cá, trong đó có loài cá sú vàng rất có giá trị về kinh tế và y học thực nghiệm. Loài động vật không xương sống ở Rừng Bần Hưng Hòa cũng rất đa dạng phong phú, theo số liệu thống kê chưa đầy đủ tại đây đã có tới 150 loài, trong số này có những loài quý hiếm được ghi trong sách đỏ như vẹm xanh, bọ ngựa; loài có giá trị kinh tế và thẩm mỹ như rươi, bướm phượng…
Trong Tràm Chim, bần vẫn là cây chủ yếu và đây chính là rừng bần nguyên sinh duy nhất còn sót lại ở Nghệ An. Đến đây bạn sẽ thấy những gốc bần cổ thụ 2 - 3 người ôm không xuể. Cây bần có đặc tính là tự phân hủy, rễ tuy chắc nhưng cành lại giòn, dễ gãy khi gió mạnh. Để bảo tồn được khu rừng nguyên sinh như thế này hàng năm người dân xóm Hòa Lam chèo thuyền vào tham gia thu dọn, trồng mới, trồng bổ sung thêm để giữ mãi màu xanh cho khu rừng.
Bần ra hoa và kết quả vào các tháng 7, 8 và kéo dài đến tháng 12 dương lịch, quả bần chín mọng có vị chua thanh cùng vị chát nhẹ không lẫn vào đâu, có chút gì giống với tính cách của “gấy Vinh”. Ra Tết là mùa bần thay lá và đến cuối tháng 4, đi vào tràm Chim người ta sẽ thấy những chồi xanh cùng cả khoảng rừng bao la với hàng vạn con chim đậu trên cành bần. Lủng lẳng trên cao là những tổ ong của người dân địa phương.
Điểm du lịch sinh thái
Rừng Bần - Tràm Chim còn giúp cho ổn định sinh thái môi trường tự nhiên, chắn sóng bảo vệ đê điều. Hiện nay Rừng Bần đang trở thành điểm du lịch vừa có ý nghĩa tự nhiên, vừa có sức hấp dẫn du khách. Mất 3 - 4 giờ đi thuyền, chúng ta mới có thể khám phá hết khu rừng ngập mặn nơi đây. Người dân địa phương có thể vừa chèo thuyền, vừa làm hướng dẫn viên du lịch cho bạn, tất nhiên là nên chuẩn bị ít vốn kiến thức “Nghệ ngữ”.
Hiện nay đã có tour du thuyền từ bến thuyền Hải Châu (Bến Thủy), ngược lên đền Hoàng Mười, sau quay lại xuôi xuống Rừng Bần Hưng Hòa. Bạn có thể thưởng thức các đặc sản cá, tôm, hải sản đậm tình quê xứ Nghệ do các đầu bếp lành nghề đảm nhận.
Nếu vui chân, du khách còn có thể dông thẳng thuyền ra cửa Hội, nhưng trước đó hãy đừng quên dừng chụp ảnh ở “Tuyệt tình Cốc” ngay chân rú Quyết. Trúng vào ngày đẹp trời, bạn sẽ được nghe điệu hò ví, dặm ngay trên sông Lam, do chính các chàng trai, cô gái sinh sống ven sông thể hiện.
Việc phục hồi rừng bần nguyên sinh tại xã Hưng Hòa, TP Vinh, không chỉ bảo vệ được tuyến đê sông Lam, mà còn có ý nghĩa vô cùng to lớn trong việc phát triển kinh tế của Nhân dân vùng cửa sông Hưng Hòa.
Để khai thác tiềm năng được thiên nhiên ưu đãi, thời gian qua, TP Vinh đã xây dựng dự án quản lý, bảo vệ, trồng mới, mở rộng diện tích Rừng Bần gắn với quy hoạch du lịch sinh thái phía hạ lưu sông Lam.
Theo báo điện tử Kinh tế & Đô thị